4 BƯỚC ĐƠN GIẢN GIÚP GIẢM TỶ LỆ THOÁT TRANG (BOUNCE RATE) HIỆU QUẢ

Tỷ lệ thoát trang (Bounce rate) cao là một trong những vấn đề quen thuộc mà các digital marketer phải đối mặt. Đây là dấu hiệu cho thấy người đọc không tìm thấy những thông tin họ cần trên website của bạn, và đã đến lúc bạn cần đưa ra những biện pháp phù hợp để điều chỉnh tỷ lệ thoát trang về mức có thể chấp nhận được. Vậy làm thế nào để giảm bounce rate trên website? Hãy cùng iMaSo VN tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết sau đây nhé!

Tỷ lệ thoát trang (Bounce rate) là gì? 

Đây là chỉ số cho biết có bao nhiêu người truy cập vào website của bạn và thoát ra ngay lập tức (xem cách tính ở bên dưới).

Bounce rate cao không phải lúc nào cũng báo hiệu website của bạn có vấn đề. Giả sử, một người truy cập vào website của bạn để tìm kiếm địa chỉ hoặc thông tin giờ làm việc của công ty bạn, và sau khi tìm được thông tin họ liền thoát ra ngay. Hành động này không có gì bất thường. Tuy nhiên, mỗi lượt truy cập (visit) vào website của công ty đều có thể coi là một chuyển đổi (conversion) tiềm năng, và vấn đề sẽ xảy ra khi mọi người vào website của bạn, thoát ra và không trở thành khách hàng của bạn. Đây mới là điều bạn cần lưu ý, và nhiệm vụ của bạn là tìm hiểu lý do vì sao mọi người lại thoát khỏi website của mình nhiều đến vậy. 

Bounce rate được tính như thế nào?

Bounce rate của một website là phần trăm số người truy cập vào website và không có thêm bất kỳ hành động nào trên website đó (ví dụ như điền form thông tin, click sang trang khác, mua hàng, v.v…). Nói cách khác, bounce rate thể hiện lượt xem trên 1 trang duy nhất của website (single-page view). Bounce Rate được tính theo công thức sau.




Như vậy, nếu một website có tổng lượt truy cập là 100, trong đó có 40 lượt thoát trang, bounce rate sẽ là 40%.

Để tìm kiếm thông tin về bounce rate, hầu hết digital marketers sử dụng Google Analytics (GA). GA sẽ cung cấp cho bạn thông tin về bounce rate trên từng trang của website và bounce rate trung bình trên toàn bộ website.  Ngoài ra, GA còn cung cấp thông tin về các metric như:

  • Số người truy cập vào website của bạn (Number of visitors)
  • Số trang trung bình được theo dõi trên một lượt truy cập (Average pages per visit)
  • Thời gian ở lại trên trang (Time on site)

Bạn cần lưu ý xem xét tất cả các metric này với nhau thay vì xem từng metric riêng lẻ. Ví dụ: nếu thời gian truy cập trung bình trên website (average time on site) cao và bounce rate cao, điều đó có nghĩa là hầu hết mọi người vào website đều tìm được những thông tin họ cần mà không cần phải điều hướng thêm. Nếu website của bạn có nhiều nội dung chất lượng và có thông tin liên hệ, người truy cập có thể gọi điện trực tiếp cho công ty bạn. Lúc này, dù bounce rate cao nhưng website vẫn thành công. Còn nếu bounce rate cao và website của bạn có rất ít tương tác của khách hàng, bạn cần tìm cách giảm bounce rate. 

Bounce Rate ở mức bao nhiêu là tốt? 

Hầu hết các website có bounce rate nằm trong khoảng 26% đến 70%. Infographic dưới đây cho thấy bounce rate trung bình theo từng ngành hàng. Theo như phân tích, bounce rate là một chỉ số thể hiện tính chủ quan của người truy cập. Do đó, mục tiêu của bạn là giữ bounce rate của website ở mức càng thấp càng tốt, đồng thời tăng conversion rate cho website của mình.


Tuy nhiên, trên thực tế, khi đọc các tín hiệu về bounce rate, nhiều digital marketers không biết khi nào bounce rate cao là bình thường, khi nào là bounce rate cao là bất thường. Đặc biệt, nếu chỉ dựa vào Google Analytics, bạn sẽ không thể đánh giá chính xác và đưa ra các quyết định phù hợp cho website của mình. Bounce rate cao là khi mọi người ở lại trên website của bạn trong khoảng 70 giây trở lên và conversion rate thấp. Ngay cả Google cũng thừa nhận rằng các bài đăng trên blog thường có bounce rate cao hơn, nhưng điều đó chưa đủ nói lên rằng toàn bộ website của bạn đang không hiệu quả. 

Đừng vội hoảng loạn khi thấy bounce rate trên toàn website của bạn ở mức cao trong Google Analytics. Thay vào đó, hãy đánh giá bounce rate trên từng trang riêng lẻ và xem bạn có thể cải thiện điều gì không. Nếu một trang đang có bounce rate cao hơn bounce rate trung bình trên toàn website, bạn cần đi tìm nguyên nhân. Trả lời các câu hỏi sau có thể giúp bạn đưa ra giải pháp cuối cùng:

  • Người dùng ở lại trên trang trong bao lâu? 
  • Họ có tiềm năng trở thành khách hàng của bạn ở một khía cạnh nào đó không? 
  • Họ có quay trở lại trang sau lần truy cập đầu tiên không? 
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm cách tăng conversion rate song song với quá trình cải thiện bounce rate trên các trang riêng lẻ này. Chỉ có kiên trì và thử nghiệm trên các trang thích hợp mới giúp bạn cải thiện bounce rate nói riêng và hiệu quả của toàn website nói chung. 

4 lý do có thể khiến Bounce rate ở mức cao

Lý do #1. Nội dung nhàm chán hoặc quá dài dòng

Mọi người thường truy cập vào website để tìm hiểu về một chủ đề nào đó. Nếu nội dung trên website không cung cấp các thông tin mà người dùng cần, họ sẽ nhanh chóng rời đi và nhiều khả năng sẽ chuyển sang một website có nội dung chất lượng hơn. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ độc giả của mình, sau đó tìm hiểu thật kỹ lý do vì sao họ chọn website của bạn thay vì chọn website của các đối thủ khác hoặc ngược lại. Nếu trang của bạn có nội dung quá nhàm chán hoặc không phù hợp, cung cấp những thông tin không đáng tin cậy, sắp xếp lộn xộn hoặc bài viết quá dài dòng, người đọc sẽ rời đi và bước chuyển đổi của bạn sẽ gặp khó khăn. Bạn cần phát triển các nội dung có tính tương tác cao – những nội dung cung cấp chính xác những mong muốn, nhu cầu của độc giả, giúp họ trả lời những câu hỏi mà họ đang băn khoăn và quan trọng là dẫn dắt họ trở thành khách hàng. 

Lý do #2. UI/ UX không tốt

User Interface (UI) hay “giao diện người dùng” là cách sắp xếp, trình bày thông tin, hay chính là những gì mà người dùng nhìn thấy trên website/ app, còn User Experience (UX) hay “trải nghiệm người dùng” là cảm nhận của người dùng khi tương tác, sử dụng một website/ app. Một website có thể có UI tốt nhưng chưa chắc mang lại UX tốt. Trên thực tế, khách truy cập vào website của bạn chỉ đưa ra quyết định ở lại hay rời đi trong vòng vài giây. Nếu màu sắc, bố cục và thanh điều hướng trên website của bạn không khiến họ cảm thấy dễ chịu hay ấn tượng, họ sẽ có xu hướng nhấp vào nút “quay lại” hoặc “đóng cửa sổ” hơn là ở lại và xem thêm các nội dung khác. 


Để tối ưu UI/ UX, từ khóa quan trọng mà bạn cần nhớ là “make it simple”. Hãy tạo bố cục và thiết kế cho website thật đơn giản nhưng đẹp mắt, tạo menu điều hướng dễ sử dụng và cung cấp nội dung vừa đủ để lôi kéo khách truy cập ở lại trang lâu hơn, từ đó tăng cơ hội chuyển đổi họ thành khách hàng. 

Lý do #3. Lỗi kỹ thuật

Nếu bounce rate trên website của bạn cao một cách bất thường, rất có thể khách truy cập đang gặp phải một rào cản về kỹ thuật. Có thể JavaScript trên website của bạn bị trục trặc hoặc một plugin nào đó bị hỏng, dẫn đến việc người dùng không tải được nội dung trên trang. Những lỗi này có thể đã tồn tại trên website của bạn từ trước nhưng bạn không biết. Nếu nghi ngờ bounce rate trên website cao do lỗi kỹ thuật, hãy thử truy cập vào website của bạn như một người dùng bình thường và tìm xem các lỗi này nằm ở đâu. Nếu có bất kỳ lỗi nào, bạn cần sửa lỗi ngay lập tức để cải thiện bounce rate cho website của mình và duy trì conversion rate ở mức ổn định.

Lý do #4. Tốc độ tải trang chậm

Tốc độ tải trang lý tưởng của một website thường không quá 2 giây. Nếu nhiều hơn 2 giây, khách truy cập sẽ bắt đầu mất kiên nhẫn và rời khỏi trang. Do đó, hãy kiểm tra tốc độ tải trang của website và đảm bảo bạn cung cấp một trải nghiệm dễ chịu, thân thiện với người dùng. Cải thiện tốc độ tải trang thêm vài giây cũng giúp ích rất nhiều cho việc tăng lượng truy cập và chuyển đổi cho website của bạn. Một số nền tảng như GTMetrics – cung cấp báo cáo về tốc độ tải trang hoặc Google’s Search Console – cung cấp insight của người dùng về vấn đề tốc độ tải trang và các lời khuyên hữu ích có thể hỗ trợ bạn trong việc cải thiện tốc độ tải trang cho website của mình, từ đó giảm tỷ lệ thoát trang. 

4 bước giúp bạn giảm Bounce Rate cho website


Bước 1. Bắt đầu từ trang có Bounce Rate tệ nhất 

Nếu bounce rate trên toàn website của bạn đang ở mức cao, rất có thể 1 trang nào đó trên website đang có bounce rate tệ nhất. Hãy tìm và tách riêng nó ra, sau đó thử truy cập vào trang đó như một khách truy cập bình thường và ghi chú tất cả những điểm chưa tối ưu. Ví dụ, bạn có thể thực hiện các thao tác sau để tìm ra 1 trang landing page có bounce rate tệ nhất: 
  • Trên thanh menu bên trái của Google Analytics, chọn Behavior -> Site Content -> Landing Pages. 
  • Click chuột vào trang có bounce rate cao nhất và theo dõi các vấn đề trên trang này.
Bạn cũng có thể theo dõi thêm các số liệu khác như time on site, và dù bounce rate cao nhưng người dùng có đạt được mục đích tìm kiếm của mình không. Cuối cùng, hãy nhìn vào trang thiết kế, thanh điều hướng và nội dung của trang để xác định xem giao diện của trang hiện tại đã tối ưu nhất chưa, và bạn có tìm được câu trả lời mà bạn muốn trên trang với tư cách là một người khách truy cập trang hay không.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt công cụ recording để theo dõi các phiên truy cập trên website. Bạn có thể thấy họ đang di chuột đi đâu, nhấp chuột vào đâu, và quá trình thoát ra khỏi trang hoặc chuyển đổi diễn ra như thế nào. Website recording còn có thể giúp bạn xem đâu là những điểm cần cải thiện trên website của mình – một giải pháp lý tưởng đối với các website có bounce rate cao. Sau khi cài đặt công cụ recording trên website, hãy quay lại trang có bounce rate cao nhất và theo dõi hành vi của khách truy cập trên trang này trước khi họ rời đi.

Bước 2. Phân tích heatmap để tìm hiểu về hành vi khách hàng cụ thể hơn 

Heatmap là một công cụ visualization giúp xác định hành vi của khách hàng khi truy cập vào website của bạn. Dựa vào màu sắc của các vị trí khác nhau trên website, bạn sẽ dễ dàng xác định được đâu là vị trí được người dùng tương tác nhiều nhất. Khi áp dụng phân tích heatmap trên trang có bounce rate cao nhất, bạn có thể thấy đâu là vị trí khách truy cập hay tương tác, và đâu là vị trí có ít tương tác. Phân tích này có thể cung cấp cho bạn những dữ liệu quan trọng để cải thiện bố cục và nội dung cho các trang chưa tối ưu, góp phần giảm bounce rate theo thời gian.



Bước 3. Bắt đầu chạy A/B Testing

A/B testing là một thử nghiệm giúp bạn đánh giá mức độ hiệu quả của từng phiên bản website khác nhau. Cụ thể, bạn sẽ sao chép một trang hiện có và thay đổi thành một yếu tố trên trang, chẳng hạn như tiêu đề. Khi hiển thị cùng một trang nội dung nhưng với hai tiêu đề khác nhau cho cùng một đối tượng, bạn có thể xác định được đâu là trang thu hút đám đông hơn. A/B testing có vai trò quan trọng trong việc giảm bounce rate trên toàn bộ website, do đó bạn không nên bỏ qua bước này.

Nhiều công cụ website recording và heatmap cũng có tính năng chạy A/B testing. Bạn có thể sử dụng các công cụ này để kiểm tra các yếu tố trên trang web của mình trong thời gian thực. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham gia vào thử nghiệm đa biến (MVT) để kiểm tra đồng thời nhiều yếu tố khác nhau trên cùng một trang, từ đó xem yếu tố nào thuộc trang nào hoạt động tốt hơn. Loại thử nghiệm này có thể giúp bạn tạo ra sự kết hợp đúng đắn giữa các yếu tố góp phần làm giảm bounce rate và tăng conversion rate. Sau mỗi thử nghiệm, bạn cần áp dụng phiên bản website tối ưu nhất của từng thử nghiệm cho phiên bản website chính thức của mình, sau đó đánh giá mức độ tương tác của khách truy cập. Lưu ý rằng mỗi thử nghiệm cần diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định để có thể cung cấp dữ liệu đầy đủ và hoàn thiện nhất. 

Bước 4. Lặp lại quy trình 

Ngay cả khi bounce rate của website đã giảm, công việc của bạn vẫn chưa kết thúc. Hãy đảm bảo bạn luôn đưa ra những cải tiến phù hợp cho website của mình thường xuyên, thậm chí tính theo giờ để theo kịp nhu cầu luôn thay đổi của độc giả. Bài học rút ra là bạn luôn cần dành thời gian để đánh giá bounce rate, theo dõi các bản website recording, phân tích heatmap, chạy A/B testing và tối ưu hóa bounce rate cho website của mình. Bằng cách ghi chú và theo dõi đều đặn, bạn có thể giữ bounce rate của website luôn ở mức thấp, mang lại conversion rate cao và khiến độc giả của bạn hài lòng nhất có thể.

Kết luận

Như vậy, nếu chỉ nhìn vào bounce rate cao hay thấp, bạn chưa thể đánh giá được toàn diện và chính xác về hiệu quả của một website. Việc bạn cần làm là tìm hiểu nguyên nhân tại sao website của bạn có bounce rate cao và so sánh với các yếu tố khác như conversion rate, time on site, v.v… để đưa ra các cải tiến phù hợp. Một số cách như đánh giá nội dung trên website, kiểm tra các vấn đề kỹ thuật và áp dụng một số phương pháp như website recording, phân tích heatmap và A/B testing có thể giúp bạn duy trì bounce rate ở mức thấp, tạo tiền đề cho các chiến dịch Digital Marketing thành công hơn.  
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐƯỢC QUAN TÂM NHẤT

Bài đăng nổi bật

Twitter Profit Hive Review: How I Create Passive Income With Twitter

  Twitter Profit Hive Review-Introduction Welcome to our comprehensive review of Twitter Profit Hive, the ultimate guide to achieving financ...

Recent Posts

XIN CHÀO!!!

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Blog.
Đây là blog chia sẻ tất tần tật những kiến thức về marketing mà mình đã đúc kết cũng như học hỏi được trong thời gian qua.
Nếu bạn đọc được thông tin hữu ích, đừng quên dành cho mình 1 chia sẻ ủng hộ nhé!
Thanks :)

THEO DÕI IMASO TRÊN FACEBOOK

vân

0394.17.96.99